Theo Chủ tịch HĐQT Phục Hưng Holdings, đây là thời điểm các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã sẵn sàng, và Chính phủ cần có bước chuẩn bị để vượt ra ngoài lãnh thổ.
Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Phục Hưng Holdings
“Những năm gần đây, năng lực thi công xây lắp của nhà thầu Việt Nam (các công trình dân dụng) có bước tiến bộ rất nhanh. Họ cạnh tranh lành mạnh và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, tiến độ, uy tín, hình ảnh và môi trường… Điều đó rất tốt cho thị trường BĐS”, ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Phục Hưng Holdings chia sẻ với chúng tôi gần đây về vị thế của ngành xây dựng hiện nay.
Theo ông Lâm, nhiều nhà thầu có tên tuổi đã làm chủ và áp dụng được công nghệ tiên tiến. Hầu hết họ đều giải quyết được công việc một cách chủ động, khiến chủ đầu tư và khách hàng đều hài lòng.
“Khu vực châu Á là nơi đang xây dựng nhiều nhất thế giới, so với các nhà thầu hàng đầu châu Á thì nhà thầu Việt Nam cũng chẳng thua kém nhiều. Trong khi chi phí xây dựng ở Việt Nam lại thấp hơn khá nhiều so với khu vực. Tất nhiên, ở Việt Nam giá nhân công rẻ hơn, chi phí vật tư, chi phí quản lý và biên lợi nhuận là thấp hơn”, ông Lâm khẳng định.
Vị chủ tịch Phục Hưng Holdings chia sẻ, ông đã từng tới Nhật tham khảo một số công trình văn phòng, suất đầu tư lên tới 4000 USD/m2. Chẳng hạn một gói thầu toà nhà văn phòng trị giá 900 triệu USD ở Tokyo cho tổng diện tích sàn chỉ 200.000m2. Chi phí này cao gấp 5 đến 10 lần so với Việt Nam. Tuy nhiên, người Nhật rất “nặng tay” cho phần thiết kế, chi phí vật tư và nhân công cũng đắt đỏ hơn nhiều.
Còn tại các nước như Thái Lan, Campuchia chi phí xây dựng cũng cao hơn chúng ta gần hai lần và giá BĐS cũng cao hơn như Bangkok dao động từ 5000-10000 USD/m2, Phnom Penh dao động từ 2000-3000 USD/m2.
Theo ông Lâm, nhà thầu xây dựng Việt Nam phát triển là nhờ vào các Chủ đầu tư các dự án BĐS lớn, chính vì niềm tin từ các Chủ đầu tư trao cơ hội để nhà thầu Việt Nam phát triển từng bước thay thế nhà thầu ngoại hiện nay. Các chủ đầu tư bây giờ cũng đưa ra mức biên lợi nhuận khá hợp lý, chứ không còn là mức “trên trời” như trước, bởi chính họ cũng phải cạnh tranh. Hơn nữa họ còn phải chịu nhiều rủi ro về tài chính, bán hàng, thị trường,…
Chính vì thế, lúc này người dân có nhu cầu mua nhà đang có rất nhiều thuận lợi. Đặc biệt khi các nhà thầu lớn đều hướng tới mô hình D&B.
Vì sao chủ đầu tư lớn lại chọn D&B?
Ông Lâm cho rằng “D&B là mô hình rất tiến bộ trong ngành xây dựng và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.”
Phân tích về việc chọn nhà thầu thực hiện theo hình thức D&B, chủ đầu tư có lợi và hại gì, theo ông Lâm: “Trước hết là lợi về tiến độ thi công dự án: ở Việt Nam đang thực hiện thiết kế hai hoặc ba bước sau khi đã được phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kiến trúc (concept) và nhà thầu D&B sẽ chủ động triển khai thực hiện sau khi có thiết kế concept, từ đó rút ngắn được giai đoạn thiết kế và mặt khác các vấn đề sửa đổi thiết được khắc phục rất nhiều nên tiến độ thi công sẽ nhanh hơn”
Ông Lâm cho rằng mô hình này sẽ mang lại lợi về mặt kinh tế cho các nhà đầu tư, bởi họ chủ động triển khai từ thiết kế nên nhà thầu áp dụng tối ưu các vấn đề khoa học để tối ưu trong quá trình thiết kế như kết cấu, lựa chọn thiết bị và hoàn thiện từ đó sản phẩm sẽ đồng bộ và không lãng phí.
Mô hình D&B theo ông Lâm còn mang lại lợi ích về công tác quản trị bởi “nếu một sự án BĐS chủ đầu tư trực tiếp quản lý thì phải có đến vài chục hoặc cả trăm gói thầu nhỏ khác nhau, từ đó rủi ro về quản trị, tài chính và không đồng bộ là rất cao. Còn nhà thầu D&B sẽ chủ động và chịu trách nhiệm về vấn đề này thay cho Chủ đầu tư”.
Tuy nhiên, D&B đòi hỏi các DN phải đủ kinh nghiệm, năng lực thì mới có thể đảm nhận được từ khâu thiết kế, kiểm soát đến thẩm định thiết kế và triển khai thi công. Còn với DN không đủ năng lực lại trở thành con dao hai lưỡi đối với họ.
Xét về rủi ro đối với mô hình D&B, ông Cao Tùng Lâm cho rằng nếu chọn nhà thầu D&B không đủ năng lực, không có hệ thống quản trị tốt thì sẽ rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Với những nhà thầu làm D&B theo ông Lâm họ phải vì uy tín, coi đó là sự bảo chứng cho mình. Đôi khi nhà thầu phải xác định làm sản phẩm cho chính họ, vì chất lượng sản phẩm chứ không phải vì lợi nhuận trước mắt.
Có như vậy, theo ông Lâm ngành xây dựng Việt Nam mới có đủ sức cạnh tranh để làm chủ các dự án lớn ở nước ngoài. Theo ông Lâm thì việc nhà thầu Việt xây dựng ở nước ngoài không chỉ tốt cho riêng DN mà còn cho cả đất nước bởi chúng ta có thể đem nguồn ngoại tệ về. Bởi vậy, ông Lâm chia sẻ sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ để các nhà thầu Việt Nam ngày càng phát triển và có lộ trình phù hợp để bước ra ngoài lãnh thổ tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Nhật Minh
Tri thức trẻ
Bình Luận (0)