Khi địa giới thay đổi, cách nhìn về doanh nghiệp cũng đổi thay
Từ ngày 01/7/2025, Việt Nam chính thức bước vào một giai đoạn cải cách hành chính lớn chưa từng có: hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh/ thành, sáp nhập hàng loạt quận, huyện, phường; xóa bỏ cấp quận – huyện để hình thành các tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia với quy mô mới. Đây không chỉ là bước thay đổi kỹ thuật quản lý nhà nước, mà là sự chuyển dịch căn bản về tư duy phát triển không gian kinh tế. Một khi địa giới được vẽ lại, chúng ta cũng cần vẽ lại bản đồ doanh nghiệp – không chỉ để thống kê, mà để tư duy lại vị thế và vai trò từng vùng trong tổng thể phát triển quốc gia.
Trong bức tranh đó, bộ ba bảng xếp hạng thường niên VNR500 – PROFIT500 – FAST500 do Vietnam Report công bố chính là ba lăng kính chiến lược, phản ánh năng lực phát triển của từng địa phương dựa trên nội lực kinh tế thực chất – mà cốt lõi là hệ sinh thái doanh nghiệp - theo ba trục: quy mô doanh nghiệp, hiệu suất sinh lời và tốc độ tăng trưởng. Một địa phương có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, vận hành hiệu quả và tăng trưởng nhanh thể hiện khả năng hấp thụ và chuyển hóa nguồn lực thành giá trị, cũng như chất lượng hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực tại chỗ. Việc soi chiếu lại các bảng xếp hạng này dưới hệ quy chiếu địa giới mới sẽ giúp xác lập một “bản đồ kỳ vọng phát triển” – nơi các địa phương, dù là trung tâm hay vệ tinh, đều có cơ hội bứt phá nếu biết tận dụng lợi thế và xác định đúng vai trò chiến lược.
Ba bảng xếp hạng – Ba trục phát triển – Một cấu trúc kinh tế mới
Trong hơn 18 năm qua, ba bảng xếp hạng doanh nghiệp do Vietnam Report công bố – VNR500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất), PROFIT500 (Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất) và FAST500 (Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất) – đã hình thành một hệ sinh thái dữ liệu phản ánh toàn diện sức sống và cấu trúc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi bảng xếp hạng đóng vai trò như một nguồn tham chiếu hữu ích để nhận diện động lực phát triển theo từng nhóm ngành, từng địa phương và từng phân khúc doanh nghiệp.
Tính đến năm 2025, dữ liệu từ ba bảng đã ghi nhận hàng ngàn doanh nghiệp – đại diện cho phần lớn giá trị gia tăng của khu vực tư nhân và FDI – trải dài trên khắp các địa phương. Trong đó:
- VNR500 phản ánh sức mạnh tích lũy, tập trung tại các trung tâm kinh tế – công nghiệp lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai.
- PROFIT500 cho thấy năng lực tạo giá trị thực, nổi bật ở những tỉnh/ thành có môi trường đầu tư ổn định, chi phí vận hành cạnh tranh.
- FAST500 phản ánh động năng phát triển, thường ghi nhận tại các vùng đang chuyển mình – nơi hội tụ lao động trẻ, thị trường rộng và chính sách linh hoạt.
Khi ba bảng xếp hạng này được tổ chức lại theo đơn vị hành chính mới – 34 tỉnh/ thành sau sáp nhập – một bản đồ địa kinh tế Việt Nam phiên bản mới dần hình thành. Những địa phương trước đây bị phân tán, nay trở thành các tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia – không chỉ lớn hơn về quy mô, mà còn mạnh hơn về nội lực doanh nghiệp và đa dạng ngành nghề. Không gian phát triển vì thế cũng không còn bó hẹp trong các cực truyền thống, mà mở rộng thành mạng lưới những vùng động lực – hiệu quả – bứt phá, nơi hội tụ cả quy mô, lợi nhuận và tốc độ phát triển.
VNR500 – Quy mô thị trường: Siêu đô thị và vùng tích tụ dẫn đầu
TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn giữ vững vị thế là hai “đầu não kinh tế” khi lần lượt sở hữu 273 và 217 doanh nghiệp thuộc VNR500 – gần một nửa số doanh nghiệp quy mô lớn nhất cả nước. Bám sát phía sau là Đồng Nai (23), Hải Phòng (23), Hưng Yên (18), Tây Ninh (17) – cho thấy làn sóng tích tụ công nghiệp đang mở rộng ra khỏi đô thị trung tâm, hình thành các hành lang sản xuất mới từ Bắc vào Nam.
Ở các tỉnh Tây Nam Bộ như Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (8), Cần Thơ (10) hay khu vực Tây Nguyên như Gia Lai (7) cũng đã xuất hiện lực lượng doanh nghiệp lớn – cho thấy sức bật từ các ngành nông nghiệp chế biến, thủy sản và năng lượng tái tạo.
PROFIT500 – Khả năng sinh lời: Hiệu suất đang dịch chuyển về địa phương
Trong bảng xếp hạng PROFIT500, TP. Hồ Chí Minh (286) và Hà Nội (205) tiếp tục giữ vai trò là trung tâm lợi nhuận. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là sự xuất hiện của Đồng Nai (30), Hải Phòng (29), Tây Ninh (22), Đà Nẵng (11) – những địa phương có quy mô vừa nhưng hiệu suất sinh lời đáng nể, nhờ khả năng kiểm soát chi phí tốt, định vị thị trường hiệu quả và thu hút doanh nghiệp công nghiệp chế biến có năng lực tài chính mạnh.
Các tỉnh/ thành không quá nổi bật về quy mô nhưng lại có doanh nghiệp sinh lời cao như Quảng Ninh (10), Phú Thọ (10), Bắc Ninh (9), Lâm Đồng (7) – khẳng định rằng trong mô hình phát triển mới, hiệu quả quản trị và tối ưu hóa vận hành sẽ trở thành yếu tố quyết định không kém gì thị phần hay quy mô tài sản.
FAST500 – Tốc độ tăng trưởng: Những mũi nhọn đang trỗi dậy
Bảng FAST500 ghi nhận 167 doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, 162 doanh nghiệp Hà Nội, 24 doanh nghiệp Hải Phòng và 21 doanh nghiệp Tây Ninh – khẳng định đà tăng trưởng vẫn tập trung tại các trung tâm truyền thống. Tuy nhiên, điều gây chú ý là sự hiện diện nổi bật của các tỉnh/ thành như Phú Thọ (10), Bắc Ninh (7), Gia Lai (7), Khánh Hòa (7), Cần Thơ (9) – nơi tốc độ tăng trưởng CAGR vượt trội, nhiều doanh nghiệp có tuổi đời trẻ nhưng quy mô đang mở rộng nhanh chóng.
Nhóm các tỉnh/ thành như Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, An Giang, Lâm Đồng cũng góp mặt với 4–8 doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, thể hiện khả năng chuyển hóa từ vùng sản xuất truyền thống sang vùng tăng trưởng đổi mới. Đây chính là những “vùng sáng” trong hành trình xây dựng các tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia của Việt Nam giai đoạn mới.
Giải mã tiềm lực vùng: Phân nhóm các tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia theo ba trụ cột phát triển
Trong một Việt Nam đang “sắp xếp lại giang sơn”, khái niệm “tỉnh/ thành mạnh” cần được định nghĩa lại – không chỉ là trung tâm hành chính hay có quy mô dân số lớn, mà là nơi hội tụ hài hòa các doanh nghiệp có quy mô vượt trội, năng lực sinh lời, và khả năng bứt tốc trong tăng trưởng. Việc phân loại các tỉnh/ thành theo ba trụ cột dữ liệu VNR500 – PROFIT500 – FAST500 không chỉ mang ý nghĩa thống kê, mà còn mở ra gợi ý chiến lược cho hoạch định chính sách vùng một cách phù hợp.
Tỉnh/ thành toàn diện: Đầu tàu của nền kinh tế mới
Bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh, Hưng Yên
Các tỉnh/ thành này hội tụ đồng thời số lượng lớn doanh nghiệp quy mô (VNR500), khả năng sinh lời vượt trội (PROFIT500) và tốc độ tăng trưởng ấn tượng (FAST500). Đây là những “tâm điểm hấp dẫn đầu tư”, nơi đã hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp toàn diện, có năng lực điều phối chuỗi giá trị vùng và hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu.
Tỉnh/ thành hiệu suất cao: Đất lành cho doanh nghiệp sinh lời
Bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Vĩnh Long
Đặc trưng bởi số lượng doanh nghiệp PROFIT500 vượt trội, nhóm tỉnh/ thành này sở hữu môi trường kinh doanh ổn định, doanh nghiệp vận hành tinh gọn, khả năng tối ưu chi phí và tạo biên lợi nhuận cao. Một số địa phương có số lượng doanh nghiệp không lớn, nhưng lại đứng đầu về tỷ suất sinh lời, cho thấy tiềm năng phát triển theo chiều sâu.
Tỉnh/ thành tăng trưởng nhanh: Những cánh tay mới của công nghiệp hóa
Bao gồm: Phú Thọ, Bắc Ninh, Gia Lai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, An Giang, Quảng Ngãi
Dù không phải trung tâm truyền thống, nhóm này đang nổi lên như “vùng sáng” của tăng trưởng với số lượng doanh nghiệp FAST500 tăng nhanh, năng động về thị trường và có sức hút lớn với nhà đầu tư mới. Nhiều doanh nghiệp trong nhóm này còn trẻ, nhưng đang mở rộng quy mô mạnh mẽ nhờ khai thác hiệu quả các dư địa thị trường địa phương và kết nối vùng.
Hàm ý chính sách và kiến nghị chiến lược
Việc phân loại các tỉnh/ thành theo ba nhóm Toàn diện – Hiệu suất cao – Tăng trưởng nhanh không chỉ nhằm mục đích nghiên cứu, mà còn cung cấp một gợi ý thực tiễn quan trọng cho chính sách phát triển vùng giai đoạn hậu cải cách hành chính. Mỗi nhóm tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia cần một “bộ công cụ chính sách” khác nhau – dựa trên năng lực nội sinh, vai trò trong hệ thống kinh tế và mức độ sẵn sàng bứt phá.
Đối với nhóm tỉnh/ thành toàn diện (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh, Hưng Yên), cần được thể chế hóa vai trò là trung tâm vùng cấp cao – với quyền điều phối liên kết vùng, cơ chế tài khóa đặc thù, khả năng thí điểm chính sách về đô thị thông minh, logistic chiến lược, và chuỗi cung ứng giá trị cao. Đây là nơi có thể triển khai mô hình “vùng kinh tế tự chủ”, tương đương một “đặc khu hiện đại” trong nội dung, dù không nhất thiết là trong danh xưng.
Với nhóm tỉnh/ thành hiệu suất cao (Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Vĩnh Long), chính sách nên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh ngành lõi, khuyến khích phát triển theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng quản trị ESG, và mở rộng không gian tài chính xanh. Nhóm này có thể trở thành hình mẫu cho “vùng tăng trưởng bền vững” – nơi tỷ suất sinh lời là thước đo chính thay vì chỉ chạy theo quy mô.
Với nhóm tỉnh/ thành tăng trưởng nhanh (Phú Thọ, Bắc Ninh, Gia Lai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Quảng Ngãi), cần có gói hỗ trợ tổng hợp, bao gồm phát triển hạ tầng kết nối – ưu đãi đầu tư khởi nghiệp – đào tạo nhân lực trẻ – đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, nên thiết kế các chương trình “ươm tạo vùng công nghiệp mới” tại đây, tạo nền móng cho các cụm công nghiệp phụ trợ, logistics, công nghệ chế biến – từ đó hình thành các cực tăng trưởng mới, bổ sung cho các trung tâm truyền thống đang bắt đầu có dấu hiệu bão hòa.
Trong tất cả, quan trọng nhất là tư duy “phân quyền theo năng lực” – mỗi tỉnh/ thành không bị cào bằng về cơ chế, mà được trao quyền, được đánh giá và được hỗ trợ theo đúng vai trò chiến lược của mình trong bản đồ phát triển quốc gia. Cuối cùng, cần đồng kiến tạo chính sách cùng doanh nghiệp – nhà đầu tư để xác lập năng lực cạnh tranh dài hạn cho từng tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia. Sự đồng hành, tin cậy và minh bạch sẽ là nền tảng để thúc đẩy các tỉnh/ thành chuyển mình từ bị động sang chủ động, từ địa phương hành chính sang trung tâm phát triển trong mô hình Việt Nam mới.
Sắp xếp lại giang sơn – Kiến tạo lại kỳ vọng phát triển
Lịch sử phát triển của mỗi quốc gia luôn có những thời điểm bước ngoặt – khi cải cách hành chính không đơn thuần là tổ chức lại bộ máy, mà là khởi đầu cho một tầm nhìn phát triển mới. Với Việt Nam, ngày 01/7/2025 đánh dấu một sự chuyển mình như thế: bản đồ hành chính thay đổi, nhưng bản đồ phát triển còn thay đổi sâu sắc hơn – từ cách xác định vai trò địa phương đến cách phân bổ kỳ vọng trong chuỗi giá trị quốc gia.
Trong không gian phát triển mới, doanh nghiệp chính là điểm tựa định vị vùng đất: nơi nào có doanh nghiệp quy mô lớn (VNR500), nơi nào sinh lời hiệu quả (PROFIT500), nơi nào tăng trưởng bứt phá (FAST500) – nơi ấy sẽ trở thành cực phát triển trong mô hình tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia. Câu hỏi không còn là “Tỉnh/ thành này có bao nhiêu doanh nghiệp?”, mà là “Tỉnh/ thành này đóng góp gì cho tương lai chung – bằng quy mô, bằng hiệu suất hay bằng tốc độ?”.
Chính quyền cần dũng cảm phân quyền và kiến tạo, mở đường cho những sáng kiến phát triển vùng. Doanh nghiệp cần sẵn sàng dẫn đầu và bứt phá trong những không gian kinh tế mới. Nhà đầu tư cần tin vào giá trị dài hạn và sức bật nội lực địa phương. Khi cả ba cùng hành động, những miền đất mới không chỉ là cái tên mới trên bản đồ, mà trở thành động lực thật sự. Việt Nam khi ấy không chỉ thay đổi cách quản lý lãnh thổ, mà đang viết lại cách thức phát triển một quốc gia bằng nội lực vùng – bền vững, chủ động và đầy khát vọng.
Tái thiết quốc gia hôm nay không nằm ở việc thay ranh giới, mà ở chỗ xác lập lại vị trí chiến lược của từng địa phương. Và một khi vị trí ấy được định danh bằng năng lực – thì bất kỳ tỉnh/ thành nào, từ đồng bằng đến cao nguyên, từ duyên hải đến biên giới – đều có thể trở thành tỉnh/ thành trọng điểm về kinh tế quốc gia trong thời đại mới.
Vietnam Report
Bình Luận (0)