Có nên tư nhân hóa công ty đại chúng?

11/06/2021

Người tạo 0

Chuyên mục:

Kể từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) được thành lập, số lượng công ty đại chúng tăng đột biến với tổng số gần 2.000 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của công ty đại chúng phụ thuộc vào diễn biến của TTCK và một phần vào các quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo ước tính, không dưới phân nửa số công ty đại chúng xuất hiện trong giai đoạn 2007-2010.

Đại chúng hóa?

Theo xu hướng chung, phần lớn các doanh nghiệp đại chúng hóa như một yêu cầu tối thiểu của quá trình đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ngoại trừ các doanh nghiệp đã niêm yết thành công và giả sử đang hưởng lợi từ việc niêm yết, còn gần 1.000 doanh nghiệp đã chuyển từ doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước sang công ty đại chúng. Có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp thực sự chuyển đổi để tận dụng các lợi ích tiềm năng của một công ty đại chúng và bao nhiêu doanh nghiệp chỉ đơn thuần chuyển đổi để đáp ứng các thủ tục hành chính?

Việc trở thành công ty đại chúng sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc huy động vốn, thu hút được đông đảo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, do cổ phiếu có thể được chuyển nhượng dễ dàng.

Nhiều công ty tư nhân kỳ vọng việc đại chúng hóa và niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu và vị trí trên thương trường, ít nhất là thị trường tài chính.

Tuy nhiên, đối với cổ đông, việc chuyển từ công ty tư nhân sang công ty đại chúng sẽ tạo ra sức ép vô hình về mặt minh bạch thông tin do doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định công bố thông tin chặt chẽ hơn. Đối với các thành viên sáng lập, mặc dù có lợi trong dài hạn, nhưng liệu điều này có được nhìn nhận là lợi ích trong ngắn và trung hạn hay chỉ được coi là gia tăng chi phí và thời gian xử lý các yêu cầu của một công ty đại chúng?

TTCK đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp niêm yết và cả các doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong các chu kỳ thị trường tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các công ty đại chúng có thực sự thành công và tận dụng tối đa các lợi thế sau khi chuyển đổi?

Năm 2009, tổng số vốn huy động trên sàn chứng khoán là 17.500 tỉ đồng (tương đương 900 triệu đô la Mỹ)

trong khi giá trị các vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam tương ứng đạt 1,1 tỉ đô la Mỹ. Năm 2010, số liệu tương ứng là 46.800 tỉ đồng (tương đương 2,4 tỉ đô la Mỹ) và 1,75 tỉ đô la Mỹ. Với thực tế đa số các vụ M&A trong những năm qua đều thuộc về các công ty nước ngoài hoặc công ty không phải là các công ty đại chúng thì có thể nói số lượng vốn huy động được giữa các công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng chênh lệch không đáng kể.

Về khả năng nâng cao giá trị thương hiệu. Luận điểm này có thuyết phục khi hiện nay Việt Nam có khoảng 1,1 triệu tài khoản chứng khoán, trong đó thực tế chỉ khoảng 20-30% số tài khoản thực sự hoạt động.

Về khả năng minh bạch hóa thông tin. Tính đến giữa năm 2011, số lượng các công ty niêm yết có báo cáo tài chính sau kiểm toán chênh lệch so với báo cáo ban đầu lớn, hoặc chuyển lãi thành lỗ lên tới vài chục trường hợp, chiếm tới không dưới 10% tổng số công ty niêm yết. Các công ty vi phạm công bố thông tin cả lớn lẫn nhỏ dường như không thống kê được số lần. Như vậy, so với các công ty tư nhân luôn được nhận định là thiếu minh bạch về vấn đề tài chính thì liệu các công ty đại chúng đã thực sự tạo nên sự khác biệt? Liệu cổ đông của công ty đại chúng đã thực sự yên tâm về chất lượng minh bạch thông tin của các công ty đại chúng?

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của StoxPlus, tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROIC) của các công ty niêm yết năm 2010 trung bình đạt khoảng 13,8%. Đây là mức lợi nhuận khá thấp. Sau khi niêm yết, với lợi thế huy động vốn “giá rẻ” trên TTCK, lợi nhuận của các công ty mang lại chưa tương xứng với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Công ty đại chúng phải tuân thủ rất nhiều quy định về công bố thông tin so với một công ty tư nhân. Ước tính, trung bình một doanh nghiệp phải chi tối thiểu 20.000-30.000 đô la Mỹ/năm cho hoạt động quan hệ cổ đông; các công ty lớn có khi chi tới cả triệu đô la, chưa kể thời gian ban lãnh đạo phải dành cho việc tổ chức các hoạt động quan hệ cổ đông. Trong thời điểm thị trường thuận lợi, kết quả kinh doanh khả quan thì đây là các chi phí “có thể chấp nhận được” nhưng khi thị trường vốn ngày càng cạnh tranh, kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì các công ty tư nhân lại có lợi thế hơn hẳn về mặt chi phí.

Hay tư nhân hóa?

Xét về lợi ích kinh tế, nếu lợi ích của việc chuyển đổi từ công ty tư nhân thành công ty đại chúng lớn hơn các chi phí (bao gồm chi phí cơ hội) đi kèm thì không nên chuyển đổi. Ngược lại, nếu chi phí của việc duy trì vị thế của một công ty đại chúng (bao gồm công ty niêm yết) lớn hơn một công ty tư nhân thì việc chuyển đổi nên được xem xét một cách nghiêm túc dù việc này có thể chưa phổ biến ở thị trường tài chính Việt Nam. Có một số nhóm doanh nghiệp nên xem xét việc chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân.

Thứ nhất, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đặc biệt yếu kém, cần tái cấu trúc toàn diện. Trong hai năm trở lại đây, gần chục công ty đã rơi vào diện cảnh báo đặc biệt do thua lỗ kéo dài, giá cổ phiếu xuống thấp. Các doanh nghiệp này hầu như không còn khả năng huy động vốn nếu không tái cấu trúc hoàn toàn về bộ máy nhân sự, mô hình kinh doanh, cơ chế đầu tư… Khi việc cải tổ cần quyết liệt, đòi hỏi sự nhạy bén, tránh các buổi đại hội đồng cổ đông bất thường mất thời gian thì mô hình công ty tư nhân có lợi thế hơn.

Thứ hai, doanh nghiệp dự kiến chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của các cổ đông nhỏ lẻ (chiếm tỷ lệ sở hữu nhỏ trong doanh nghiệp). Trường hợp muốn thay đổi chiến lược của doanh nghiệp và vấp phải sự phản đối quyết liệt của các cổ đông còn lại, nhóm cổ đông lớn có thể đàm phán mua lại cổ phần và tư nhân hóa doanh nghiệp, thực hiện chiến lược kinh doanh mới tới khi chứng minh được hiệu quả thì đại chúng hóa doanh nghiệp trở lại và niêm yết. Các ngành nghề có thể áp dụng cách này là viễn thông, công nghệ thông tin, vật liệu mới…

Thứ ba, doanh nghiệp không có khả năng tận dụng các cơ hội từ việc niêm yết trong khi phải chịu nhiều áp lực và chi phí từ việc trở thành một công ty đại chúng. Đây thường là doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ (vốn điều lệ dưới 50 tỉ đồng, lợi nhuận dưới 10 tỉ đồng), thuộc các ngành nghề có tính cạnh tranh cao như vật liệu xây dựng, thương mại, dịch vụ… Các doanh nghiệp này không có khả năng huy động vốn từ cổ đông mới, dựa vào vốn vay ngân hàng hơn là từ TTCK nên lợi ích từ mô hình công ty đại chúng không đáng kể trong khi chi phí tuân thủ các quy định công bố thông tin và quan hệ cổ đông khá lớn.

Trong khi việc chuyển đổi từ công ty đại chúng và công ty niêm yết thành công ty tư nhân khá phổ biến ở các nước phát triển, đây vẫn được coi là “thói quen” chưa phổ biến tại Việt Nam. Khi thị trường vốn ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp yếu về tài chính hoặc chiến lược hầu như không còn được hưởng lợi từ việc duy trì hình ảnh của một công ty đại chúng có lẽ cần sớm tìm cho mình con đường riêng. Đó là việc tư nhân hóa để tái cơ cấu toàn diện trước khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết trở lại.

(*) Nexus Group

Hùng Nguyễn

Theo Sài Gòn Times

Saigon Times

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *