Tổng giám đốc May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền: Mang kỷ luật quân đội tiến vào sân chơi hội nhập

01/06/2017

Người tạo 3553

Chuyên mục:

Với kỷ luật quân đội đã gây dựng từ nhiều năm nay, với phương châm không gì là không thể và đã làm thì phải làm tốt, “nữ tổng tư lệnh” Nguyễn Thị Thanh Huyền đã sẵn sàng dẫn “đoàn quân tóc dài” Tổng công ty cổ phần May 10 tiến thẳng vào sân chơi hội nhập dưới ngọn cờ truyền thống của xưởng may mang bí số X1.

Từ xưởng may mang bí số X1

Vừa hoàn thành lễ kỷ niệm 70 năm May 10 trong những ngày đầu năm mới 2016 (9/1/1956 - 9/12016), bà Huyền không dấu nổi vẻ tự hào khi “khoe” lịch sử doanh nghiệp mà mình đang nối gót thế hệ lãnh đạo May 10 trước đây. Không nhiều người biết, May 10 là doanh nghiệp xuất thân từ quân đội, với khởi điểm là 3 xưởng may quân nhu AK1, BK1 và CK1, sau đó sáp nhập thành xưởng may Hoàng Văn Thụ, rồi thêm một lần đổi tên thành Xưởng may 1 mang bí số X1.

Đến năm 1952, xưởng X1 ở Việt Bắc được đổi thành Xưởng may 10 (bí số X10), tới năm 1956 thì chuyển về Hà Nội, hợp nhất với Xưởng may X40 và thợ may quân khu Liên khu V tập kết ra Bắc và lấy tên chung là Xưởng may 10. Thời điểm đó, May 10 chỉ có 3 phân xưởng sản xuất dưới mái lá đơn xơ, máy móc thiết bị lạc hâu, chủ yếu sản xuất quân trang theo kế hoạch của Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng).

Đi qua 7 thập kỷ, hệ thống nhà xưởng của May 10 giờ đã phát triển tới con số 18, trải dài từ miền Bắc tới miền Trung, tạo việc làm cho 11.000 lao động với mức lương trung bình gần 6,6 triệu đồng/người/tháng, đem lại  doanh thu vài ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao là con đường mà May 10 chọn để đi rất nhanh trong khoảng 15 năm trở lại đây, đặc biệt là từ thời điểm bà Huyền nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc vào giữa năm 2006. Dưới sự điều hành của bà Huyền, May 10 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22%/năm.

“Nếu tính từ thời điểm mở Xí nghiệp sản xuất Veston cao cấp xuất khẩu đầu tiên (năm 2004), thì đến cuối 2015, chúng tôi đã sở hữu 3 xí nghiệp sản xuất veston, công suất 1 triệu bộ/năm. Không lâu sau ngày lập xưởng may đầu tiên, Veston May 10 đã chinh phục được khách hàng khó tính nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Mỹ, EU”, bà Huyền tự hào.

Năm 2015 cũng đánh dấu kết quả kinh doanh đạt cao nhất từ trước đến nay của May 10, với tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng. So với năm 2010, lợi nhuận năm 2015 đã tăng 13 lần, nộp ngân sách tăng 16,6 lần, từ 4,7 tỷ đồng lên 50,1 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng lên gần 6,6 triệu đồng. Đây cũng là năm đầu tiên thương hiệu May 10 được trưng bày và giới thiệu tại Mỹ, được giới chuyên môn cũng như khách hàng đón nhận và đánh giá cao.

Trong lịch sử phát triển của ngành dệt may, May 10 còn là một trong những số ít doanh nghiệp có thâm niên và duy trì được các thế hệ cùng làm việc tại doanh nghiệp. Bà Huyền bảo, May 10  tự hào vì có tới 4 thế hệ đang công tác và cuối năm nay, sẽ đón thêm thế hệ thứ 5, nối dài truyền thống, văn hóa May 10. 

Người lao động là mục tiêu

Quản lý một doanh nghiệp có hơn 11.000 lao động là không dễ dàng, nhất là với ngành dệt may vốn là ngành của nữ công nhân, tỷ lệ biến động lao động cao và quá nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là công nhân, lại cùng là nữ giới, nên quan điểm điều hành của bà Huyền khi ở vai trò là Tổng giám đốc cũng khác biệt.

“Chúng tôi coi người lao động là mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Đi kèm theo đó là những chính sách an sinh về dài hạn, để người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình với công ty. May 10 là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dệt may có mô mình sản xuất gắn với trách nhiệm xã hội, khi sớm đầu tư xây dựng khu tập thể, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, trường cao đẳng nghề, trường tiểu học cho con em cán bộ, công nhân viên”, bà Huyền nói.

Sự cống hiến hết mình của người lao động khi được lãnh đạo lo ổn thỏa về đời sống được thể hiện rõ ràng qua những chỉ số về năng suất lao động khi thời gian may sản phẩm sơ mi đang từ 1.889 giây hạ xuống chỉ còn 696 giây, veston từ 12.096 giây xuống còn 5.282 giây, lập kỷ lục về năng suất lao động.

Sự khác biệt lớn nhất và cũng là điều được vị nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền tâm đắc hơn cả trong điều hành một doanh nghiệp có hơn 11.000 lao động, đó là thiết lập và duy trì được tính kỷ luật quân đội trong môi trường doanh nghiệp. “Một quốc gia, một doanh nghiệp hay thậm chí là gia đình đều phải có kỷ luật, nếu không duy trì được kỷ luật ắt sẽ loạn. Với doanh nghiệp dệt may có đặc thù là sử dụng nhiều lao động như May 10, sự bất ổn sẽ đẩy tới biến động lao động, hiệu quả sản xuất đi xuống”, bà Huyền phân tích.

Tổng công ty May 10

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *