Là doanh nghiệp thành viên duy nhất của PETROVIETNAM có đủ năng lực đảm nhiệm các dự án điện gió ngoài khơi, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) luôn được giới quan tâm theo dõi sát sao về những biến động trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự điều chỉnh trong mục tiêu chiến lược. Vậy năm 2022 này PTSC hoạt động ra sao, đâu là những mục tiêu trong năm 2023 khi PTSC tròn 30 tuổi và định hướng dài hạn của Tổng công ty sẽ là gì? Những câu hỏi này đã được Thời Đại đặt ra với ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC.
-Thưa ông, là doanh nghiệp chủ lực của PVN về cung cấp chuỗi dịch vụ dầu khí, ông có thể đánh giá khái quát về tình hình thị trường trong năm qua?
-Đối với các doanh nghiệp dầu khí, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid 19 đã bớt trầm trọng hơn so với năm 2021, nhưng 2022 cũng vẫn là một năm nhiều khó khăn bởi tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn còn những biến động phức tạp, khó lường. Trong lĩnh vực dịch vụ, các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn “hồi phục”, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu đầu vào và chi phí vận tải tăng cao.
Ở trong nước, khối lượng công việc, dự án trong ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của PTSC vẫn tiếp tục khan hiếm. Đa số các dự án phải dừng, giãn trong vài năm qua chưa thực sự “chạy” trở lại, hoặc chạy khá chậm. Trong khi đó, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài càng khó khăn hơn do cạnh tranh khốc liệt. Sau 3 năm Covid 19, sức ép giảm chi phí, yêu cầu các điều khoản đẩy rủi ro về phía nhà thầu và sự bảo hộ của Chính phủ các nước sở tại đối với doanh nghiệp trong nước của họ ngày càng gia tăng.
-Vậy PTSC đã có những giải pháp gì trong năm 2022?
-“Ứng xử” của chúng tôi trong năm 2022 vẫn là tập trung quyết liệt vào nhóm giải pháp quản lý, triển khai tái cấu trúc mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động, kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục bám thị trường, khách hàng truyền thống, theo đuổi các dự án hiện hữu, tiềm năng. Đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới. PTSC đã chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh trong xu hướng chuyển dịch năng lượng để phát triển các sản phẩm mới, mở rộng cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực điện gió cũng như đẩy mạnh phát triển dịch vụ ra thị trường nước ngoài như khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Malaysia, Brunei… góp phần bù đắp khối lượng công việc truyền thống liên tục bị giảm sút trong thời gian qua.
-Xin ông cho biết kết quả hoạt động của PTSC của năm 2022?
-Kết quả Doanh thu hợp nhất của PTSC ước thực hiện năm 2022 là 13.200 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước thực hiện năm 2022 là 770 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch năm 2022.
Kết quả SXKD này có sự sụt giảm nhẹ so với năm trước, tuy nhiên tôi cho rằng đây đã là kết quả của những nỗ lực to lớn trong bối cảnh các dự án, thị trường hết sức khó khăn như vừa nêu.
Mặt khác, tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài năm 2022 đạt trên 44%, tăng nhiều so với những năm trước đây cho thấy nỗ lực chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, chúng tôi vẫn luôn đáp ứng các tiêu chí an toàn, chất lượng, tiến độ, được khách hàng đánh giá cao.
Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường (bên trái) và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng |
-Nhìn lại năm 2022, lĩnh vực nào được coi là khó khăn nhất với PTSC, thưa ông?
-Đó là cung cấp dịch vụ trong nước, vốn là thị trường truyền thống. Như tôi vừa nêu ở trên, anh có thể thấy cơ cấu doanh thu trong nước – nước ngoài của PTSC đã có sự thay đổi. Thực sự thì bắt đầu từ 2020, 2021, cơ cấu này đã có những thay đổi rõ rệt rồi. Đó là tỉ lệ doanh thu từ nước ngoài có sự tăng lên, đồng nghĩa với tỉ lệ doanh thu từ thị trường trong nước giảm xuống.
Kết quả này không phải do chúng tôi không chú trọng thị trường trong nước, mà thực sự là thị trường dịch vụ trong nước, “sân nhà” đã ngày càng khó khăn hơn rất, rất nhiều. Trong năm 2022, hầu hết các lĩnh vực dịch vụ truyền thống tại thị trường này như dịch vụ tàu, dịch vụ cảng - căn cứ hậu cần, dịch vụ cơ khí, O&M các công trình dầu khí trong nước... đều tiếp tục gặp nhiều khó khăn và chịu sự sụt giảm đáng kể về khối lượng công việc.
Với hơn 8.000 người lao động, cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị, hệ thống nguồn lực…, chúng tôi không thể ngồi yên chờ thị trường hồi phục hoặc các công việc tự chạy đến. Chúng tôi theo đó phải tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp khối lượng công việc giảm sút, đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định, bền vững. Tuy vậy, thị trường quốc tế cũng có những khó khăn, khốc liệt của nó. Trong xu hướng chuyển dịch mới, các dự án quốc tế về dầu khí cũng không nhiều.
-Xin ông cho biết những mục tiêu lớn của PTSC trong năm 2023?
-Chắc chắn thị trường dịch vụ dầu khí năm tới còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. PTSC chúng tôi cũng cần phải hết sức nỗ lực để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, rà soát, đánh giá, cải tiến các mô hình kinh doanh cũng như tìm kiếm, mở rộng phát triển, nắm bắt xu thế mới của thị trường.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có những lạc quan nhất định và đặt ra mục đích phải vượt qua doanh thu kế hoạch của năm 2022, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 là 10.200 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 700 tỷ đồng.
-Vậy những giải pháp lớn của PTSC trong năm tiếp theo là gì?
Trong năm 2023, chúng tôi xác định một số định hướng, giải pháp trọng yếu cần tập trung là nhóm giải pháp về đầu tư, quản lý, tái cơ cấu. Cụ thể như tiếp tục đầu tư phát triển nguồn lực cơ sở vật chất và kiện toàn bộ máy theo hướng tập trung vào các nhóm dịch vụ PTSC có thế mạnh. Nghiên cứu, triển khai đầu tư kiện toàn nguồn lực để phát triển năng lực thi công chế tạo phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo, cũng như tiếp cận và hợp tác với đối tác nước ngoài có uy tín để phát triển dịch vụ tháo dỡ các công trình ngoài khơi...
Chúng tôi cũng cần phải tối ưu hóa các nguồn lực, xây dựng các giải pháp dịch vụ theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế quy mô và đa dịch vụ của PTSC. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cốt lõi có lợi thế cạnh tranh riêng của PTSC cho các khách hàng ngoài ngành, ngoài nước. Tập trung nghiên cứu, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết của Tập đoàn để phát huy thế mạnh của đơn vị trong ngành.
Đồng thời, PTSC cũng sẽ đẩy mạnh triển khai quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đón đầu dịch vụ mới, đặc biệt là hệ thống cảng và cơ sở hậu cần. Chú trọng thực hiện các giải pháp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, đồng thời từng bước nâng cao khả năng cung ứng, cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Chúng tôi cũng tiêu chuẩn hóa hoạt động quản lý và phát triển nguồn nhân lực theo hướng đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh công việc, hệ thống khung năng lực, đánh giá và đào tạo cho lao động, đảm bảo tất cả lao động liên quan tới các dự án, thiết kế và làm việc với nhà thầu nước ngoài có thể cạnh tranh với lao động khu vực vào năm 2025 và cạnh tranh quốc tế vào năm 2035.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm soát, triệt để tiết kiệm trong quản lý, giảm chi phí, giảm giá thành dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh.
-Chuyển đổi chiến lược của PVN là hướng đến điện gió ngoài khơi. Ban lãnh đạo PVN cũng đánh giá rất cao kinh nghiệm của PTSC trên các lĩnh vực liên quan như cơ khí, công trình công nghiệp, khảo sát…và coi đây là một trong những nền tảng quan trọng cho sự chuyển đổi sau này, xin ông cho biết tầm nhìn của PTSC và những bước chuẩn bị cho sự thay đổi sau này?
-Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan vào 2030, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%.
Để hiện thực hóa nội dung này, việc phát triển năng lượng sạch để thay thế cho năng lượng hóa thạch đang được Chính phủ, các Bộ, ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hết sức quan tâm.
Qua nghiên cứu xu hướng dịch chuyển năng lượng trên thế giới và Việt Nam, cũng như định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới của Petrovietnam, PTSC nhận thấy năng lượng tái tạo ngoài khơi là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, đồng thời có sự tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi mà PTSC đã khẳng định được năng lực, kinh nghiệm và có nhiều lợi thế khi triển khai thành công rất nhiều dự án trong nhiều năm liền.
Chiến lược mới của PTSC cũng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủng hộ, phê duyệt, cũng là hướng đi phù hợp với định hướng của Tập đoàn trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Cụ thể, tại Nghị quyết của HĐTV Tập đoàn DKVN về chiến lược phát triển của PTSC, Tập đoàn đã phê duyệt Mục tiêu của PTSC là “Xây dựng PTSC trở thành thương hiệu quốc tế uy tín với lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao là trụ cột cốt lõi và đồng thời phát triển các dịch vụ ra ngoài ngành, ngoài nước phù hợp với năng lực và thế mạnh riêng của Tổng công ty trong đó có lĩnh vực điện gió ngoài khơi”.
Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường (bên trái) trong chuyến khảo sát điện gió ngoài khơi tại Na Uy |
-Ông suy nghĩ thế nào nếu có ý kiến cho rằng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, PTSC chỉ là một “lính mới”?
-Anh cũng biết đấy, ngành dầu khí lâu nay là “tìm dầu đáy bể”, khó khăn trăm bề. Nhưng kiếm việc đối với các đơn vị dịch vụ thời buổi này thì thực sự như là “tìm kim đáy bể”. Do đó chúng tôi phải hết sức cố gắng.
Mặc dù vậy, tôi khẳng định mặc dù mới tham gia, nhưng chúng tôi không phải “tay mơ”. Chúng tôi đã có sự tính toán, chuẩn bị, sẵn sàng từ lâu. Hiện PTSC là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn có đầy đủ chức năng, năng lực, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
PTSC cũng đã triển khai nhiều dịch vụ, tham gia nhiều công việc liên quan đến điện gió ngoài khơi, từ khâu đầu như khảo sát địa chất, thủy văn, hải dương cho đến các công đoạn phát triển và vận hành dự án, như thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt các cấu kiện, vận chuyển nhân sự vận hành, bảo dưỡng các công trình.
Tại các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ (Bình Đại – Bến Tre, Trà Vinh), khu vực Bình Thuận (ngoài khơi Thăng Long)… PTSC đã tham gia nhiều gói vận chuyển thiết bị, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm, cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng tại dự án điện gió; lắp đặt và vận hành thiết bị FLIDAR khảo sát, thu thập số liệu hải dương, thủy văn...
Tại thị trường nước ngoài, PTSC đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo 02 trạm biến áp ngoài khơi cho dự án điện gió ngoài khơi của Đài Loan, triển khai trực tiếp tại bãi chế tạo của PTSC tại Vũng Tàu.
Hiện tại, PTSC cũng đang tham gia đấu thầu cho một loạt gói thầu chế tạo chân đế cho các dự án điện gió ngoài khơi khác trên thế giới. Các chủ đầu tư của các dự án này đã nhiều lần đến tham quan và kiểm tra năng lực cũng như hạ tầng hiện hữu với đầy đủ các trang thiết bị, nhà xưởng, cầu cảng có trọng tải lớn của PTSC tại căn cứ cảng Vũng Tàu rộng gần 200 hecta và khẳng định với việc thực hiện một số công tác đầu tư nâng cấp phù hợp cũng như tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, PTSC hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ chế tạo các cấu phần (trạm biến áp, chân đế) cho dự án điện gió ngoài khơi.
PTSC chúng tôi rất tự tin khi có nền tảng, nguồn lực, phương tiện, đội ngũ lao động dày dạn, đã “chinh chiến”, thực hiện thành công, có chất lượng cao nhiều dự án ngoài biển. Năng lực, kinh nghiệm, uy tín của PTSC cũng liên tục được tích lũy, nâng tầm và được khách hàng quốc tế, đối tác đánh giá cao.
Hiện tại, chúng tôi cũng đang tiếp tục tìm kiếm đối tác từ các nước phát triển mạnh về năng lượng tái tạo ngoài khơi, chuẩn bị triển khai các thỏa thuận hợp tác, liên doanh, liên kết, chuẩn bị cho các bước đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và khu vực.
Do đó, việc tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ là mắt xích cuối cùng hoàn thiện chuỗi giá trị một dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi chuyên nghiệp gồm: khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, phát huy được thế mạnh về năng lực, kinh nghiệm, mở rộng phạm vi hoạt động, hướng tới những thị trường lớn hơn.
Cũng qua đây, PTSC mong muốn không chỉ tiếp tục chinh phục các khách hàng ngoài nước, ngoài ngành, không chỉ thu hẹp mình trong một thị trường truyền thống mà tích cực gia tăng cơ hội để vươn tới các thị trường mới. Chúng tôi tự đặt nhiệm vụ cho mình là Thay đổi để tìm kiếm cơ hội (Change for Chances). Cụ thể là: Thay đổi cơ cấu khách hàng từ đa số trong nước thành đa số nước ngoài; Thay đổi tỉ trọng doanh thu từ nội ngành chiếm đa số thành ngoài ngành chiếm đa số; Thay đổi cơ cấu doanh thu từ trong nước thành đa số từ nước ngoài.
-Thông điệp cho năm mới 2023 của PTSC là gì, thưa ông?
-Mùa xuân năm nay 2023, PTSC sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập, cũng là 30 năm thương hiệu PTSC có mặt trên thị trường. Với một con người thì lứa tuổi 30 là tuổi trưởng thành, chín chắn, phong độ.
Với PTSC, tuổi 30 cũng là dấu mốc quan trọng, cũng là tuổi từng trải, phong độ đủ đầy. Nếu ví PTSC như một con tàu thì con tàu PTSC đã trải qua một hành trình dài 30 năm vượt qua sóng gió. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, người lao động PTSC đã cùng đồng sức đồng lòng trên con thuyền để có được PTSC hôm nay.
Chính vì vậy, chúng tôi, thế hệ cán bộ quản lý PTSC hiện nay cảm thấy rất vinh dự, tự hào và ý thức được trách nhiệm lớn lao khi đồng hành với PTSC trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, với nguồn lực, cơ sở pháp lý đầy đủ, cùng truyền thống khát khao chinh phục những thử thách mới, chúng tôi tin rằng bên cạnh các dịch vụ truyền thống, năng lượng ngoài khơi sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới cho PTSC theo đúng tinh thần “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”, luôn tìm kiếm những giải pháp mới để giữ trọn niềm tin của khách hàng, đối tác, cổ đông, góp phần chung tay cùng Petrovietnam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
-Trân trọng cảm ơn ông! |
PTSC
Bình Luận (0)