Trong năm 2024, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC; mã PVS, sàn HNX) sẽ tập trung nguồn lực, ưu tiên tối đa cho dự án Lô B - là dự án mang rất nhiều kỳ vọng của PTSC nói riêng cũng như mang ý nghĩa quan trọng đối với ngành Dầu khí Việt Nam và cả đất nước nói chung; đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các cuộc đàm phán với nhiều bên đối tác, tìm kiếm cơ hội cho các dự án mới trong tương lai.
Đó là thông tin được ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc PTSC chia sẻ tại chương trình gặp gỡ nhà đầu tư PVS, được tổ chức tại trụ sở PTSC vào chiều ngày 17/1/2024.
Chương trình có sự tham dự của các cổ đông lớn, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, nhằm cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, định hướng phát triển của PTSC và đặc biệt là thông tin về gói hợp đồng EPCI#1 Dự án Khí Lô B cũng như các gói thầu thuộc Dự án Khí Lô B mà các nhà đầu tư PVS đang quan tâm.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc PTSC Trần Hoài Nam đã thông tin đến các cổ đông lớn, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán về tình hình hoạt động SXKD năm 2023 cũng như định hướng phát triển của PTSC trong thời gian tới.
Cụ thể, năm 2023, PTSC đạt doanh thu hợp nhất 20.224 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.098 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch năm. Các mảng dịch vụ có sự tăng trưởng nổi bật gồm cơ khí dầu khí, công nghiệp và năng lượng tái tạo (doanh thu 9.702 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch, tăng 6% so với thực hiện năm 2022), dịch vụ căn cứ cảng (doanh thu 1.699 tỷ đồng, đạt 121% kế hoạch, tăng 5% so với thực hiện năm 2022) và vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các công trình dầu khí (doanh thu 2.079 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2022). Các mảng cung ứng tàu chuyên dụng, FSO/FPSO, khảo sát địa chấn địa chất công trình và ROV lần lượt đạt 134%, 111% và 114% kế hoạch.
Phó Tổng Giám đốc PTSC Trần Hoài Nam thông tin về tình hình hoạt động SXKD năm 2023 và định hướng phát triển của PVS |
Bên cạnh các biện pháp quản lý, triển khai tái cấu trúc mạnh mẽ để đẩy mạnh phát triển kinh doanh, nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động, kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm tối đa chi phí, giúp kịp thời ứng phó với những biến động thị trường và duy trì thực hiện ổn định, an toàn, hiệu quả các lĩnh vực hoạt động truyền thống, PTSC cũng đã chủ động đổi mới, nắm bắt cơ hội kinh doanh trong xu hướng chuyển dịch năng lượng để phát triển các sản phẩm mới, mở rộng cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) cũng như đẩy mạnh phát triển dịch vụ ra thị trường nước ngoài, như khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan… Tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài năm 2023 đạt trên 55%, tăng nhiều so với những năm trước đây cho thấy nỗ lực chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài của PTSC nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định, bền vững. Đặc biệt, với việc tham gia lĩnh vực NLTTNK PTSC đã mở ra bước ngoặt trong việc phát triển dịch vụ mới đảm bảo duy trì sự phát triển của PTSC trong thời gian tới.
Một số điểm sáng trong lĩnh vực NLTTNK mà PTSC đã đạt được trong năm qua có thể kể đến như Dự án Hải Long OSS (đã hoàn thành 95% hạng mục công việc); ký kết Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4 tại Đài Loan (đến hết năm 2023 tiến độ đạt 54%), đặc biệt là sự kiện được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giấy phép khảo sát phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore.
Đại diện các cổ đông, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đặt câu hỏi với Tổng giám đốc PTSC. |
Tại hội nghị, lãnh đạo PTSC thông tin chi tiết về Gói thầu EPCI#1 “Thiết kế, mua sắm, thi công và lắp đặt giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở và tháp đuốc” của Dự án Khí Lô B, có tổng giá trị gần 1,1 tỷ USD, do Liên danh PTSC và McDermott Asia Pacific Sdn. Bhd thực hiện. Phần việc của PTSC có giá trị gần 493 triệu USD, thực hiện trong 38 tháng; bao gồm một số công việc như thiết kế FEED, lắp ráp và hoàn công, mua sắm trang thiết bị, chế tạo cấu kiện, hạ thủy và đấu nối… Bên cạnh việc đóng góp vào các chỉ số tài chính, hợp đồng sẽ góp phần nâng cao năng lực quốc tế của PTSC khi lần đầu tiên chế tạo được khối thượng tầng đến 23.000 tấn. Trước đó vào ngày 31/10/2023, HĐQT PTSC đã chấp thuận nội dung Thư trao thầu giới hạn (LLOA) cho gói thầu này.
Bên cạnh gói thầu EPCI#1, đơn vị thành viên của PTSC - PTSC M&C cũng trúng thầu gói thầu EPCI#2 “Thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt giàn thu gom, giàn dầu giếng, hệ thống đường ống nội mỏ” của Dự án Khí Lô B) với tổng giá trị khoảng 300 triệu USD, cùng gói thầu “Thiết kế chi tiết cho toàn bộ dự án, mua sắm, thi công lắp đặt tuyến ống bờ, các trạm và chạy thử cho toàn bộ dự án (EPC)” – Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn với giá trị gói thầu là hơn 6.243 tỷ đồng.
Trong giai đoạn thị trường dầu khí đã và đang trên đà suy giảm trong nhiều năm qua, việc khởi động lại và triển khai một chuỗi dự án có quy mô và giá trị lớn như Dự án Khí Lô B là một tín hiệu đầy tích cực. Chuỗi Dự án khí Lô B là chuỗi dự án lớn nhất từ trước đến nay với nhiều gói thầu quan trọng được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam. Việc tham gia chuỗi dự án là cơ hội khẳng định, củng cố vị thế thương hiệu và tạo đà phát triển hơn nữa cho các nhóm dịch vụ trong chuỗi dịch vụ của PTSC. Đồng thời, việc tham gia vào chuỗi dự án sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho PTSC và các đơn vị thành viên, không những chỉ trong thời gian triển khai thực hiện dự án mà còn trong giai đoạn phát triển mỏ sau này (tổng cộng 52 giàn khai thác), khai thác vận hành của dự án về sau.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường giải đáp các câu hỏi của nhà đầu tư. |
Trong chương trình hội nghị, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường đã có những thông tin, giải đáp cụ thể đối với tất cả các câu hỏi mà các nhà đầu tư đưa ra, xoay quanh kế hoạch triển khai các gói thầu của Dự án Khí Lô B và dự báo những khó khăn có thể ảnh hưởng tiến độ đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của Dự án; tình hình triển khai các dự án điện gió ngoài khơi mà PTSC đang thực hiện và các rủi ro có thể tác động đến khả năng hoạt động của các lĩnh vực truyền thống khác của PTSC. Các nhà đầu tư cũng quan tâm đến khả năng tạo ra lợi nhuận của mảng NLTTNK khi PTSC thể hiện quyết tâm tiến sâu hơn vào lĩnh vực này, cũng như kế hoạch đầu tư và khả năng tăng vốn, thời hạn giải ngân khi đầu tư trực tiếp vào các dự án NLTTNK. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự quan tâm đến tiến độ dự án xuất khẩu điện sạch sang Singapore, các vấn đề pháp lý có thể tác động đến việc triển khai dự án; kịch bản doanh thu lợi nhuận cũng như những thách thức rủi ro đối với PTSC trong năm 2024 và những năm sắp tới.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường khẳng định, trong năm 2024 PTSC sẽ tập trung nguồn lực, ưu tiên tối đa cho dự án Lô B, bởi đây là dự án mang rất nhiều kỳ vọng của PTSC nói riêng cũng như mang ý nghĩa quan trọng đối với ngành Dầu khí Việt Nam và cả đất nước nói chung. Bên cạnh đó, PTSC cũng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các cuộc đàm phán với nhiều bên đối tác, tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư vào các dự án NLTTNK; tham gia thi công, thực hiện các dự án công trình năng lượng tái tạo phù hợp với năng lực, kinh nghiệm hiện có; cũng như nghiên cứu hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và khu vực.
PTSC
Bình Luận (0)