Mùa bội thu đang về với VNPT

31/05/2017

Người tạo 241

Chuyên mục:

Hàng loạt đơn hàng từ nước ngoài đang đổ về, báo hiệu một mùa bội thu cho chiến lược mở rộng đầu tư ra thị trường nước ngoài của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT).

VNPT đang mở rộng đầu tư ra nước ngoài và thu về nhiều thành tựu.

Dồn dập hợp đồng ngoại

Cách đây vài ngày, tại Berlin (Đức), VNPT và Công ty MC Media cho ra mắt sản phẩm Việt Media Box - chiếc smartbox sử dụng kết hợp với TV để cung cấp 50 kênh truyền hình tiếng Việt, cung cấp tới cộng đồng người Việt tại Đức thông qua thiết bị smartbox của VNPT. Sản phẩm là sự hợp tác giữa Công ty MC Media với VNPT; trong đó, VNPT cung cấp sản phẩm phần cứng (smartbox) và MC Media cung cấp nội dung.

Còn tại Cuba, CubaTel - một doanh nghiệp công nghệ của nước này đã thông báo, đến thời điểm hiện tại, Cuba đã tiêu thụ 1,5 triệu km cáp quang do VINA-OFC (đơn vị thuộc VNPT) sản xuất.

Giữa tháng 4/2017, tại Lào đã diễn ra lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa VNPT và Trung tâm Chính phủ điện tử (Bộ Bưu chính - Viễn thông Lào). Theo đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai khảo sát nhu cầu về ứng dụng chính phủ điện tử, triển khai thử nghiệm các giải pháp E-Office và E-Portal của VNPT, tiến tới cung cấp giải pháp cho Bộ Bưu chính - Viễn thông Lào. Nếu sự hợp tác đạt hiệu quả và thuận lợi, giải pháp này sẽ được cung cấp cho các bộ, ban, ngành khác tại Lào.

Còn tại thị trường Campuchia và Myanmar, VNPT đang hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sẽ tiếp tục gia tăng các sản phẩm mới. Theo đó, VNPT sẽ đưa sản phẩm điện thoại vệ tinh VinaPhone S sang cung cấp tại thị trường Campuchia và Myanmar. Trước đó, ngày 24/11/2016, Thỏa thuận thành lập công ty liên doanh giữa 3 bên VNPT - Meridian - Elite đã được ký kết. Đến ngày 23/12/2016, liên doanh đã chính thức được các cơ quan chức năng của Myanmar cấp giấy phép thành lập. Hiện  Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I) đã ký kết phương án cung cấp các dịch vụ ICT và VinaPhone S với đối tác Elite và Global Net.

VNPT-I cũng ký kết phương án cung cấp dịch vụ Vinaphone S và các dịch vụ ICT với đối tác Telecom Cambodia và MekongNet. VNPT đang triển khai thử nghiệm các dịch vụ VSAT-IP, Vinaphone S cho Telecom Cambodia.

Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, “bản đồ khách hàng” của VNPT đã mở rộng đáng kể. Các sản phẩm, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin của VNPT hiện diện ở hàng chục quốc gia trên thế giới.

Tiếp tục mở rộng “vùng phủ sóng” ra nước ngoài

Với mục tiêu mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh quốc tế, trong thời gian qua, VNPT rất tích cực thúc đẩy hợp tác, chủ động tìm kiếm thị trường nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam.

Hiện VNPT đang tiến hành nghiên cứu đánh giá phương án gia nhập thị trường nước ngoài bằng phương thức mua bán - sáp nhập để thực hiện trong năm 2017. VNPT đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều đối tác tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Cuba, Latvia, Bangladesh, Iran, Angola… để triển khai cung cấp các dịch vụ IPLC, IP-Transit, FTTX, VSAT, ICT.

VNPT phải cố gắng thành tập đoàn sản xuất công nghệ cao

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao mảng sản xuất công nghệ công nghiệp của VNPT sau chuyến thăm nhà máy sản xuất của VNPT tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc hồi đầu tháng 2/2017. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, VNPT cố gắng trong thời gian sớm nhất trở thành tập đoàn sản xuất công nghệ cao, cho ra mắt các sản phẩm như máy tính, điện thoại… với chất lượng tốt ra thị trường để khẳng định Việt Nam nói chung và VNPT nói riêng.

(Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với Tập đoàn VNPT ngày 15/3/2017).

Xác định sản xuất công nghệ công nghiệp sẽ là một trong những trụ cột chính của doanh nghiệp trong giai đoạn tới, VNPT đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Sau tái cấu trúc, VNPT xây dựng trung tâm R&D và dành nguồn kinh phí lớn cho hoạt động này. Nếu như trước đây, mỗi năm VNPT chỉ chi khoảng 10 - 20 tỷ đồng cho các dự án nghiên cứu thì hiện nay, VNPT dành khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, VNPT cũng hình thành quỹ R&D với số tiền vào khoảng 600 - 700 tỷ đồng.

VNPT hiện có hai nhà máy sản xuất thiết bị. Năm 2016, tập đoàn này đã xuất xưởng 2,4 triệu thiết bị đầu cuối các loại. VNPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất sợi thủy tinh để tự chủ trong việc sản xuất sợi quang và xuất khẩu. Nhà máy được khởi công vào đầu tháng 2/2017, với số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài tại một số thị trường châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và châu Âu theo định hướng không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mà sẽ kết hợp với việc cung cấp và chuyển giao sản phẩm công nghệ, sản phẩm công nghiệp cũng như các dịch vụ CNTT, chính phủ điện tử.

Trong chiến lược phát triển của VNPT giai đoạn từ nay đến năm 2020, sản xuất công nghiệp là mũi nhọn chiến lược, sản phẩm công nghiệp phải đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng trên mạng lưới của VNPT và xuất khẩu ra nước ngoài đạt hàng trăm triệu USD.

VNPT

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *