Cuộc cách mạng 4.0: Chúng ta cần nhau

29/08/2017

Người tạo 914

Chuyên mục:

18 năm hình thành và phát triển, Anpha Petrol đã lọt vào top đầu của Hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn.

Ưu thế về tính chủ động trong điều tiết nguồn hàng từ đầu vào đến đến tận tay người tiêu dùng, tận dụng sức mạnh của công nghệ đã giúp Anpha Petrol chuyển mình, tạo sức bật mới trong cạnh tranh thế kỷ 21.

Ông Trần Minh Loan, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Anpha Petrol đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị về những thách thức của thị trường bán lẻ hết sức đặc thù này, và những nỗ lực của Anpha Petrol với tiêu chí “sạch, an toàn và tiện lợi” cho người tiêu dùng.

– Kinh doanh khí hoá lỏng lợi nhuận thấp, tầm nhìn của Anpha Petrol như thế nào, để có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng?

– Kinh doanh với ai cũng vậy, cuối cùng vẫn phải bảo đảm lợi nhuận, thu hồi được vốn, tuân thủ pháp luật, bảo đảm lợi ích của xã hội. Riêng ngành này, lợi ích của doanh nhân doanh nghiệp phải nghĩ dài, vì đầu tư quy mô lớn mà thu bạc cắc. Để xây dựng hệ thống phân phối trong ngành này mất rất nhiều thời gian và công sức, lợi nhuận rất thấp mà đầu tư rất lớn về nhân lực. Nhiều tổng đại lý lợi dụng thế độc quyền, bán gas không đàng hoàng, mua gas lậu chất lượng không bảo đảm, lấy bình chiếm dụng của người khác, sang chiết làm lậu mới có lời. Có đơn vị còn mua sản phẩm một nửa gas chính hãng, rồi pha chế vào để kiếm lời… Phải nhìn kỹ vấn đề, thương hiệu phải mang tầm quốc gia, quy mô phải lớn thì kinh doanh mới hiệu quả, nếu đi con đường khác thì khó thành công

Về phía lợi ích của người tiêu dùng, có thể thấy giá gas gần đây không dao động lớn, lúc rẻ hơn 200.000 đồng/bình, có giai đoạn lên 540.000 đồng/bình, giờ ở 250.000 – 300.000 đồng/bình. Nếu tính mỗi gia đình hai tháng hết một bình gas, thì tiền chi cho chất đốt này rẻ lắm. Nhưng người dân thường không quan tâm đến chất lượng gas và việc sử dụng gas làm sao cho an toàn! Lo đắt hơn 20.000 đồng, phó thác hết cho người giúp việc, quan tâm đến quà khuyến mãi… tạo tâm lý thích hàng rẻ. Đó không phải nhu cầu đích thực.

Nhu cầu của người tiêu dùng thế kỷ 21 chính là làm sao để dùng gas an toàn. Nếu không sẽ xảy ra nhiều vấn đề lắm. Chuyện kinh doanh gas bây giờ cũng giống như dùng thực phẩm an toàn vậy.

– Không chỉ người tiêu dùng bị cuốn theo nhu cầu không cốt lõi, từ quan điểm nhà đầu tư đến chính sách nhà nước đôi khi không nhắm vào chất lượng để thoả mãn khách hàng?

– Bán gas đâu cần cửa hàng, alô điện thoại mang đến thôi mà. Nhưng Nhà nước lại quy hoạch các cửa hàng bán gas là sai. Gas là dịch vụ thương mại điện tử chứ đâu cần quy hoạch thành nhiều tầng nhiều nấc, không giải quyết chất lượng an toàn, không giải quyết được lợi ích nhà nước và lợi ích của công ty. Nhiều thương hiệu lớn đã thua vì không có hệ thống kinh doanh thực chất, mà dựa vào quy hoạch của Nhà nước, dẫn đến câu chuyện bao cấp sai trong ngành này. Cả ngành dầu khí cũng thế, hoạch định chiến lược chính sách nhà nước không xuất phát từ lợi ích cốt lõi của người tiêu dùng.

– Năm 2014, Anpha Petrol đã đi trước một bước khi ký kết đầu tư hợp tác với đối tác quốc tế Saisan Nhật Bản, để trở thành tập đoàn tư nhân kinh doanh gas lớn nhất Việt Nam, bước đi này đã mang lại cho Anpha Petrol điều gì?

– Bây giờ đã là thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, phải chấn chỉnh lại tất cả các khâu, khâu nào yếu sẽ hợp tác với các nhà đầu tư có vốn, có thương hiệu, có khả năng quản trị, để thống nhất từ đầu đến cuối mới mong phát triển. Chúng tôi không phân biệt là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước, cũng không sợ thôn tính. Trong mọi hợp tác, mình phải là người chủ động trong cuộc chơi, vì lợi ích của đất  nước, của người tiêu dùng. Triết lý kinh doanh của Saisan cũng nhân bản lắm. Họ là công ty gia đình, chúng tôi gặp nhau ở những điều hết sức phù hợp, tự nhiên. Hợp tác đừng nghĩ chỉ có chuyện tiền, nhìn sâu xa hơn là triết lý kinh doanh, phương châm hành động của họ mà mình học được. “Đối với nhân viên, làm việc như một lẽ sống” là slogan của Saisan… Thời buổi này rất hay, người Việt Nam hoà nhập thế giới cũng đông, nếu người Việt có tâm, hợp tác với người ta không quá tự ti. Ngành gas ở Nhật cũng không phát triển được nữa, chỉ có đi xuống, việc đầu tư nước ngoài với họ là tất yếu để phát triển và tồn tại, câu chuyện ở đây là “chúng ta cần nhau”. Ngoại giao nhân dân, ngoại giao doanh nghiệp là cốt lõi phát triển kinh tế, bảo đảm sự gắn bó, chia sẻ của các quốc gia.

Thời điểm đó Anpha Petrol đã xây dựng hệ thống kho, cảng rất quy mô với gần 2 triệu vỏ bình gas, chiếm thị phần tương đối lớn, xấp xỉ hơn 10%. Ngày trước mình lạc quan lắm, cứ nghĩ vạch chiến lược cho đúng, còn vốn trông chờ ngân hàng, nhưng từ giai đoạn 2011 – 2014 quá khó khăn, lãi suất quá cao, với mức tiêu thụ 5.000 – 7.000 tấn gas/tháng, chỉ duy trì công ty vận hành đã khó, chưa nói đến phát triển chiến lược. Đục nước béo cò, những người làm ăn chộp giật nổi lên. Đến giai đoạn cần phải xác lập hệ thống kinh doanh, hệ thống phân phối khác nên rất cần vốn. Huy động thị trường chứng khoán vẫn chưa đủ, lại chưa có tích luỹ vốn, hệ thống tài chính Việt Nam thì đâu có đáp ứng được nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Việc hợp tác với Saisan với quy mô gấp mười lần tập đoàn Anpha Petrol là cần thiết, vì Saisan là nhà kinh doanh gas có 70 năm kinh nghiệm trong ngành này. Tôi rất vui khi thấy sứ mệnh kinh doanh của họ rất gần gũi với những gì mình hiểu, mình biết là đúng. Nhà đầu tư nước ngoài họ có niềm tin, đầu tư cùng làm cho đến giờ. Câu cửa miệng của họ đơn giản là: “Trước hết chúng tôi muốn người Việt Nam dùng gas an toàn”.

Có sự tiếp sức của Saisan, chúng tôi xây dựng lại toàn bộ hệ thống, từ chỗ bán qua tổng đại lý và đại lý, chuyển dần sang hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Trên cả nước xây dựng hơn 100 điểm trực tiếp với 1.000 công nhân trực tiếp đưa bình gas tới từng nhà dân, trả lương hàng tháng cho đội ngũ này đã gần 10 tỉ rồi. Quan trọng hơn là hướng dẫn cho người ta tiêu dùng thế nào để đừng bị rò rỉ. Gas, bình gas là của công ty, người giao hàng cũng là của công ty, mới kiểm soát được bảo dưỡng, sử dụng thế nào. Hàng ngày còn có đội ngũ chăm sóc khách hàng gọi điện trực tiếp đến từng hộ dân kiểm tra xem nhân viên thực hiện giao hàng có đúng không, phục vụ thế nào? Chỉ có như vậy mới bảo đảm được an toàn và tiện lợi cho dân.

– Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đặt doanh nghiệp trước nhiều thách thức, Anpha Petrol đã chủ động đón đầu cuộc cách mạng này như thế nào?

– Chúng tôi rất vui khi nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng đến giai đoạn này, phải nghĩ xa hơn nữa. Nếu hệ thống kinh doanh thống nhất thành một chuỗi chỉ giải quyết trước mắt, tương lai phải nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ để an toàn hơn, chất lượng hơn. Phải tiếp tục tận dụng thành quả khoa học công nghệ về mạng, quản lý tài sản, quản lý bán hàng, quản lý ở từng hộ nhà dân… Xét về phương diện cạnh tranh, phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm và thương hiệu tốt.

An Pha Petrol

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *