Công bố Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020

14/07/2020

Người tạo 0

Chuyên mục:

Ngày 14/7/2020, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020. Đây là hoạt động thường niên do Vietnam Report nghiên cứu và công bố từ năm 2012.

Uy tín của các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực và hiệu quả tài chính; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Điều tra khảo sát về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/ dịch vụ của ngân hàng; Khảo sát nhóm chuyên gia tài chính về vị thế và uy tín của các ngân hàng trong ngành; và điều tra khảo sát về tình hình của các ngân hàng được thực hiện trong tháng 6/2020 về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm...

Danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020, tháng 7/2020

Danh sách Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2020, tháng 7/2020

Ngành ngân hàng Việt Nam: 6 tháng đầu năm 2020 và triển vọng tăng trưởng

Sau năm 2019 được đánh giá là một năm gặt hái được nhiều thành công của ngành ngân hàng với nhiều điểm sáng tích cực khi hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cơ cấu, tín dụng tăng 13,5% so với cuối năm 2018, riêng khối 18 ngân hàng niêm yết chiếm 67,4% tổng dư nợ toàn ngành với mức tăng trưởng tín dụng 15,5%, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,89%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành cũng phải đối mặt với một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch Covid-19 mặc dù có độ trễ về tác động do đặc thù của ngành. Ba tác động rõ nhất của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm do tác động của đại dịch có thể kể đến là: thứ nhất lợi nhuận sụt giảm, thứ hai dự báo nợ xấu tăng lên và thứ ba là thu nhập của người lao động trong ngành giảm.

Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy, ngành ngân hàng cũng có những điểm sáng đáng lưu ý trong 6 tháng đầu năm 2020, cụ thể là:

Thứ nhất, các ngân hàng sớm chủ động trong việc tham gia hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch Covid-19, thông qua các chương trình giảm lãi và phí với các khoản cho vay hiện tại cũng như cơ cấu lại nợ và giãn hoãn nợ cho khách hàng.

Thứ hai, đẩy mạnh các dịch vụ về ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các dịch vụ tiêu dùng khác gắn với thương mại điện tử. Phương thức hoạt động của ngân hàng đã thay đổi cho phép giao dịch tại nhà, hướng tới xử lý điện tử và ngân hàng nhà nước cũng cho phép xác thực chữ ký điện tử đồng hành với điều kiện phát triển của ngân hàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm nay ước khoảng 10%, thấp hơn so với năm trước. Khảo sát của Vietnam Report với các ngân hàng TMCP cũng cho thấy 69% ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng năm 2020 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2019, có 15% ngân hàng cho rằng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của năm trước và chỉ 8% cho rằng tăng trưởng khả quan và tốt hơn một chút. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ có sự phân hóa mạnh.

Hình 1: Triển vọng tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và các ngân hàng năm 2020, tháng 6/2020

Ngành Ngân hàng Việt Nam: Thách thức và cơ hội từ khủng hoảng do đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19, tạo ra những thách thức cho ngành ngân hàng, song song với đó là vẫn có nhiều cơ hội. Cơ hội và thách thức sẽ là động lực để các ngân hàng luôn phải sáng tạo, chuyển đổi để thích hợp hơn với điều kiện thị trường mới. Trong khảo sát các ngân hàng và các chuyên gia trong ngành được Vietnam Report thực hiện trong tháng 6 năm 2020, nổi bật lên 5 cơ hội và 6 thách thức chính với toàn ngành trong thời gian tới.  

Hình 2: Top 5 cơ hội với ngành ngân hàng trong năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và các ngân hàng năm 2020, tháng 6/2020

Thứ nhất, môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá ổn định

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế, nhưng Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt và vượt qua dịch bệnh. Điều này, tạo cơ hội cho nước ta khẳng định là môi trường đầu tư tốt trong dài hạn với an toàn về dịch tễ, kinh tế và chính trị ổn định, thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài. Đặc biệt là đón xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhanh hơn trước đây từ các chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, lãnh thổ của Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, đồng thời tạo những cú hích cho những ngành, lĩnh vực của Việt Nam phát triển tốt hơn như lĩnh vực bất động sản công nghiệp và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị cung ứng của các doanh nghiệp đó.

Thứ hai, các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số

Việc tăng cường đầu tư công nghệ số giúp cho các Ngân hàng gia tăng lợi nhuận do tiết giảm chi phí hoạt động. Theo khảo sát các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tháng 6/2020 của Vietnam Report, các ngân hàng cho biết đã và đang tập trung vào công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Kết quả thống kê cho thấy 100% ngân hàng phản hồi hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet banking, mobile banking, v.v.), trong khi con số này trong lần khảo sát của năm 2018 chỉ là 93%. Ngoài ra, 83,33% ngân hàng cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng.

Dưới tác động của cuộc cách mạng số, các ngân hàng thương mại đang từng bước áp dụng các công nghệ internet vạn vật kết nối, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, robot học, v.v. giúp các ngân hàng định hình lại mô hình kinh doanh, thanh toán điện tử, quản trị, phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thứ ba, những chính sách mới của ngân hàng nhà nước

Để hỗ trợ cho hoạt động của nhiều ngân hàng thương mại, nhất là các những ngân hàng nhỏ, NHNN đã phản ứng nhanh chóng và đưa ra các giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp với điều kiện mới, nới lỏng các quy định về tăng trưởng tín dụng và tập trung nhiều vào giám sát, kiểm soát thanh khoản của các NHTM. Điều này đã mang lại hiệu quả và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tạo nên những điểm sáng của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2020. Những chính sách mới của NHNN đã bù đắp phần nào các rủi ro tài chính đối với các ngân hàng trong điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01 như giảm lãi suất, tái cơ cấu nợ.

Thứ tư, lợi nhuận từ dịch vụ tài chính phi tín dụng được gia tăng

Để thích ứng với tình hình mới, các ngân hàng đang có những chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng, giảm thiểu những tác động tiêu cực của nền kinh tế. Cơ cấu thu nhập chuyển dịch sang hướng bền vững hơn khi các nguồn thu của ngân hàng trở nên đa dạng hơn với doanh thu thẻ, bảo hiểm, thanh toán, dịch vụ trái phiếu, tư vấn giải pháp kinh doanh, kinh doanh ngoại tệ.... Điều này cũng phù hợp với quyết định Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tới hết năm 2020, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 12 - 13%. Theo thống kê của Fiingroup, thu phí dịch vụ của các ngân hàng trong năm 2019 tăng 30,7%, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng rất cao như VIB (144,6%), VPBank (84,2%), TPBank (58,6%)...

Thứ năm, Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) công bố tháng 5/2020 đã đưa ra ước tính, EVFTA có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030. Việc thực thi Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; từ đó tác động tích cực đến ngành tài chính - ngân hàng. Thông qua việc ký kết loạt các hiệp định thương mại, đầu tư được Chính phủ ký kết với các đối tác quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ có thêm các cơ hội đẩy mạnh hoạt động của mình, đa dạng nguồn vốn khi những cơ hội hợp tác mới được mở ra. Đây là cơ hội để ngân hàng sẽ tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư và đối tác hơn. Các ngân hàng Việt Nam có thể kết hợp với ngân hàng Châu Âu để thực diện dịch vụ cho khách hàng châu Âu, cũng như doanh nghiệp và người dân Việt Nam kinh doanh ở châu Âu.

Top 6 thách thức

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều thách thức cho các ngân hàng hoạt động theo mô hình truyền thống, buộc các ngân hàng phải tiến hành công cuộc chuyển đổi số các dịch vụ, sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các fintech và đáp ứng được thói quen tiêu dùng mới của khách hàng – những người trẻ, có hiểu biết và yêu thích ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động cuộc sống. Thêm vào đó, tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành ngân hàng tạo ra thêm những thách thức cho ngành ngân hàng. 

Hình 3: Top 6 thách thức với ngành ngân hàng trong năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và các ngân hàng năm 2020, tháng 6/2020

Thứ nhất, xu hướng gia tăng nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19

Trong khảo sát của Vietnam Report 96,15% các chuyên gia và ngân hàng của cho rằng một trong những thách thức lớn nhất với ngân hàng là xu hướng gia tăng nợ xấu dưới tác động của đại dịch COVID-19, khi thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ, giãn nợ và khoanh nợ. Với những khoản vay không đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, ngân hàng phải chuyển thành nợ xấu theo quy định, kéo theo áp lực thoái thu lãi và trích lập dự phòng, từ đó cũng kéo theo lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm. Một số khoản nợ có cho phép các ngân hàng gia hạn và tái cấu trúc các khoản nợ. Tuy nhiên, về lâu dài đây là các khoản nợ xấu tiềm ẩn với các ngân hàng thương mại. Nếu sức khỏe của nền kinh tế không sớm được cải thiện, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro mất vốn.Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý 2 và 2,6-3% vào cuối năm.

Thứ hai, sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, xu hướng cạnh tranh giữa các ngân hàng đang có sự thay đổi lớn. Mặc dù, các ngân hàng TMCP của Việt Nam đã tạo được vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đa dạng sản phẩm dịch vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ và công tác quản trị. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh ngày một lớn khi mở cửa thị trường, và sắp tới khi Hiệp định thương mại EVFTA được thực thi, các ngân hàng châu Âu cũng có khả năng tiếp cận thị trường của chúng ta nhanh hơn, mạnh hơn bởi các ngân hàng này có kinh nghiệm phát triển lĩnh vực dịch vụ ngân hàng anh lâu năm, cũng như có nền tảng công nghệ hiện đại, nhân sự được tuyển dụng đào tạo bài bản và quy trình kiểm soát chặt chẽ.

Thêm vào đó, sự xuất hiện và phát triển của các công ty công nghệ tài chính (fintech) và những gã khổng lồ về công nghệ (big tech) trong cung cấp dịch vụ tài chính đang tạo ra những áp lực cho các ngân hàng cần phải thay đổi và hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn nếu không nhanh chóng bắt kịp xu hướng công nghệ.

Thứ ba, hạ tầng công nghệ và hệ thống thanh toán của các ngân hàng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu

 Mặc dù, ngành ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, quản lý, phần lớn các ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng nhưng đa số hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn hoạt động truyền thống với các chi nhánh giao dịch và chủ yếu số hóa các quy trình nội bộ. Việc quyết định đầu tư hạ tầng hệ thống công nghệ nhằm đáp ứng sự thay đổi trong xu hướng mua sắm, tiêu dùng các dịch vụ hiện nay là một vấn đề khó khăn với các nhà lãnh đạo ngân hàng khi đây là một khoản đầu tư lớn, trong khi hiệu quả khó đánh giá. Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận 4 thách thức lớn nhất với ngân hàng khi triển khai ngân hàng số, đó là: Rủi ro an ninh mạng (63,64%); Thiếu chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ (63,64%); Có quá nhiều ưu tiên chồng chéo (45,45%); Thiếu lao động có kỹ năng.

Hình 4: Thách thức khi triển khai ngân hàng số

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các ngân hàng năm 2020, tháng 6/2020

Thứ tư, nhu cầu tín dụng giảm

46,15% chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report nhận định nhu cầu tín dụng giảm là một trong thách thức với ngành ngân hàng. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn đang bùng phát, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, cho nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với trước khi có dịch. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến 16/6 mới chỉ đạt 2,13%, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%). Nợ xấu tăng kết hợp nhu cầu tín dụng giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.

Thứ năm, áp lực tăng vốn điều lệ

Theo đánh giá của các chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report, áp lực tăng vốn lên các ngân hàng trong năm 2020 vẫn tương đối lớn, đòi hỏi nhiều ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với trước đây để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả theo tiêu chuẩn Basel II, đặc biệt là các ngân hàng có vốn nhà nước. Lợi nhuận của một số ngân hàng sút giảm trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng làm tăng thêm áp lực tăng vốn điều lệ với ngân hàng.

Thứ sáu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Chìa khóa tạo nên thành công đột phá của mỗi ngân hàng chính là yếu tố nhân sự và công nghệ. Ngân hàng là một ngành tổng hợp và luôn tiềm ẩn rủi ro nếu như cán bộ ngân hàng không có đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, cuộc cách mạng số trong ngành ngân hàng cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên ngân hàng phải nâng cao trình độ khoa học công nghệ, thường xuyên cập nhật thông tin, sáng tạo và thích ứng với những yêu cầu mới. Mặc dù, chuyên ngành tài chính – ngân hàng đã và đang thu hút một số lượng lớn sinh viên theo học nhưng theo đánh giá của các ngân hàng hiện nay vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập, và đây là thách thức lớn đối với các ngân hàng.

Chiến lược của ngân hàng trong thời kỳ bình thường mới

Bài học kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của việc chủ động triển khai các kịch bản ứng phó phòng chống dịch và linh hoạt điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện xã hội và hành vi người tiêu dùng thay đổi, giúp đảm bảo cả hai mục tiêu phòng chống dịch hiệu quả và duy trì phát triển kinh doanh.

Kết quả khảo sát các ngân hàng của Vietnam Report thực hiện tháng 6 năm 2020 cho thấy, nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh với những ưu tiên như: (1)Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; (2)Tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực thu hồi nợ với việc tận dụng các nguồn lực và công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ quá trình thu hồi nợ; (3) Tập trung số hóa thông qua nâng cao năng lực số, thiết kế các biện pháp nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn sản phẩm số, thúc đẩy bán hàng và tăng số lượng giao dịch; (4) Đa dạng hóa nguồn thu bằng tăng các khoản thu ngoài lãi; (5) Xây dựng các biện pháp tiết giảm chi phí bằng việc quản lý chi phí với kỷ luật cao, đồng thời giảm bớt những khoản phí không cần thiết; (6) Đảm bảo dự trữ thanh khoản tốt.

Hình 5: Chiến lược của ngân hàng trước và sau COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các ngân hàng năm 2020, tháng 6/2020

Trong đó, nhiều ngân hàng xác định chiến lược đổi mới công nghệ, thiết kế các biện pháp giúp khách hàng sử dụng nhiều hơn sản phẩm số là chiến lược quan trọng hàng đầu. Trong một vài năm gần đây, rất nhiều ngân hàng trên toàn cầu gặp khó khăn trong tạo ra lợi thế cạnh tranh khi lãi suất ở mức thấp và các sản phẩm tài chính cơ bản trở nên thông dụng. Điều này vô hình chung giúp định hình lại xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, với nhiều ngân hàng xác định chiến lược đổi mới công nghệ là chiến lược quan trọng hàng đầu.

Trên thực tế, khách hàng ngày càng có nhu cầu cao hơn trong việc thực hiện các hoạt động tài chính một cách an toàn và dễ dàng trên điện thoại di động và máy tính của họ. Đặc biệt, nhu cầu này càng tăng cao khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến nhiều nước trên thế giới phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Không thể đến các chi nhánh ngân hàng, khách hàng đã chuyển sang các ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến để thực hiện giao dịch.

Hình 6: Sự thay đổi hành vi của khách hàng khi có đại dịch COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ Ngân hàng, tháng 6/2020

Uy tín của ngân hàng trên truyền thông

Kết quả phân tích Mediacoding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành ngân hàng: Kết quả kinh doanh; Hình ảnh/Pr; Sản phẩm; Giá (lãi suất, phí dịch vụ); Cổ phiếu/ chứng khoán. So với nhiều ngành khác, ngân hàng là ngành khá ít tin tiêu cực do có kết quả kinh doanh tốt, có nhiều đổi mới sáng tạo, thực hiện trách nhiệm xã hội…

Hình 7: Top 10 chủ đề xuất hiện nhiều trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Ngân hàng từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020

Khảo sát của Vietnam Report với khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng về yếu tố quyết định uy tín truyền thông của ngân hàng cho thấy việc ngân hàng có nhiều nghiên cứu và phát triển cho sản phẩm mới là yếu tố quan trọng nhất với 52,17% khách hàng lựa chọn, tiếp theo đó là ngân hàng không có tin xấu trên truyền thông (46,74%); ngân hàng có nhiều đổi mới trong ứng dụng công nghệ (44,57%) và xuất hiện những đánh giá tốt về kết quả hoạt động kinh doanh (42,39%). Lượng tin bài về chủ đề đổi mới, sáng tạo ở các ngân hàng Việt Nam còn khá ít, trong khi mức chuẩn về tỷ lệ này ở các ngân hàng thương mại Châu Á là 5%.

Hình 8: Top 4 yếu tố quyết định uy tín trên truyền thông của ngân hàng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ Ngân hàng, tháng 6/2020

Các ngân hàng rất tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong mùa COVID-19, các ngân hàng đã chung tay cùng cả nước, đồng hành cùng khách hàng bị ảnh hưởng dịch. Lượng tin bài về chủ đề trách nhiệm xã hội cũng tăng so với các năm trước. Những ngân hàng tiêu biểu có nhiều tin bài về chủ đề này như HDbank, Agribank, Vietcombank, Vietinbank, SHB, Sacombank, VPbank.

Xét về độ bao phủ bao phủ trên truyền thông, các ngân hàng Vietcombank và Sacombank vẫn là hai ngân hàng dẫn đầu về số lượng tin trên các trang báo có ảnh hưởng. Những ngân hàng có tỷ lệ tin tích cực cao là Tienphongbank, HDbank, Techcombank, VPbank.

Hình 9: Top những ngân hàng xuất hiện nhiều trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Ngân hàng từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020

5 xu hướng "bình thường mới" trong ngành ngân hàng

Hình 10: Top 5 xu hướng “bình thường mới” trong ngành ngân hàng

Nguồn: Vietnam Report

Xu hướng chuẩn hóa và mua lại sáp nhập

Theo yêu cầu của Chính phủ trong Quyết định 986 đến năm 2025, các ngân hàng phải đáp ứng chuẩn Basel II, đồng thời một số ngân hàng có thể tiên phong áp dụng Basel III, cũng như những chuẩn mực về kế toán, kiểm toán quốc tế và quản trị thông tin, quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Bên cạnh đó, tác động của Hiệp định thương mại EVFTA tới ngành ngân hàng sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại Việt Nam nhanh chóng đổi mới, chuẩn hóa nghiệp vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh với ngân hàng quốc tế. EVFTA cũng tạo ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng đang thiếu vốn đáp ứng chuẩn Basel II, tạo ra làn sóng M&A mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng. Khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ cũng như các sản phẩm tài chính - ngân hàng hiện đại.

Ngân hàng mở

Ngân hàng mở đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho các ngân hàng trên toàn cầu; hiện có hơn 1 triệu khách hàng sử dụng nó ở Anh. Ngân hàng mở sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng phát triển dịch vụ mới và gia tăng giá trị bằng cách trao quyền cho khách hàng của họ nhanh chóng hiểu được tình hình tài chính của họ, khám phá các lựa chọn thay thế và đưa ra quyết định tài chính tốt hơn. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm ngân hàng tiêu dùng, mà còn tăng sự cạnh tranh trên thị trường, do đó, đã khuyến khích sự hợp tác và đổi mới giữa các ngân hàng và fintechs. Điều này đã thúc đẩy một nền kinh tế giàu API giữa các ngân hàng, đang mở rộng hệ sinh thái của họ và cuối cùng là phát triển hệ sinh thái dịch vụ tài chính nói chung.

Cách tiếp cận kinh doanh dựa trên nền tảng và ngân hàng mở vừa là điểm khác biệt vừa là cơ hội để phục vụ các phân khúc không có giới hạn và không được bảo lãnh. Các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh có tỷ lệ thâm nhập di động cao nhưng dân số đông đảo - tạo cơ hội lớn cho các ngân hàng cung cấp quyền truy cập tài chính thông qua hệ sinh thái đối tác có thể truy cập qua di động.

Ngân hàng trên đám mây (cloud)

Để cạnh tranh trong kỷ nguyên mới của dịch vụ tài chính, tất cả các ngân hàng cần đảm bảo công nghệ của họ phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ, đồng thời tiết giảm chi phí, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về đám mây với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào. Công nghệ đám mây cho phép phát triển nhanh và nhanh, giúp đưa sản phẩm mới ra thị trường nhanh chóng và nắm bắt cơ hội trong thời gian ngắn nhất có thể. Khi tồn tại, ngân hàng đám mây mang lại khả năng mở rộng và độ co giãn cũng như hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, mặt bằng và tăng cường tính bảo mật trong lưu trữ và quản lý tài liệu.

Bán chéo sản phẩm tài chính ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh

Xu hướng giao thoa hay bán chéo sản phẩm tài chính ngân hàng tiếp tục mạnh mẽ hơn, như giữa ngân hàng thương mại với ngân hàng đầu tư, giữa ngân hàng với bảo hiểm và cả ngân hàng với lĩnh vực chứng khoán, sẽ tiếp tục chặt chẽ hơn, để tạo ra một hệ sinh thái cho khách hàng hơn, đồng thời giúp cho ngân hàng tăng thêm các khoản thu ngoài lãi.

Tăng cường, liên kết hợp tác giữa ngân hàng với công ty công nghệ tài chính (fintech, big tech) và các tổ chức khác

Sự tăng cường liên kết giữa ngân hàng với các đối tác công nghệ tài chính nhằm tạo một hệ sinh thái toàn diện và tốt hơn cho khách hàng. Đây vừa là một xu thế, nhưng cũng là cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Thách thức đối với các ngân hàng là liên kết với các đối tác này như thế nào, thêm vào đó cần phải có bigdata (cơ sở dữ liệu lớn) ở tầm cỡ quốc gia và với mỗi doanh nghiệp, và cần được Chính phủ cho phép cơ sở dữ liệu đó được chuẩn hóa, chia sẻ lẫn nhau. Ngoài ra, thách thức an ninh thông tin mạng, an ninh khách hàng, an ninh thông tin tài sản khách hàng.

Giải pháp từ Chính phủ và NHNN

Để hỗ trợ tốt nhất cho ngành ngân hàng trong thời kỳ bình thường mới, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra 6 nhóm giải pháp chính cần có từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt với diễn biến thị trường (92,31%); Rà soát, xây dựng các quy định áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu giao dịch trực tiếp trong cung ứng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (84,62%); Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 80,77%); Tiếp tục cải thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan đến NHTM (50%); Hỗ trợ việc tái cơ cấu, M&A của ngân hàng (26,92%); Tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đạt chuẩn mực quản trị rủi ro tốt và tăng trưởng nhanh, ổn định (23,08%).

Hình 11: Top 6 giải pháp Chính phủ và NHNN cần ưu tiên

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các ngân hàng năm 2020, tháng 6/2020

Các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report nhận định ở một số điểm trong Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng qua gần 10 năm thực hiện đã có nhiều điều khoản đã lỗi thời, không phù hợp, khi hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển tương đối nhanh và mạnh, cùng với đó là sự phát triển của nhiều ứng dụng công nghệ tài chính. Nhiều tổ chức tín dụng đã vận hành theo mô hình tập đoàn tài chính kết hợp ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và trong tương lai có thể phát triển mảng ngân hàng đầu tư. Do vậy, NHNN cần phải sửa đổi, xây dựng một khuôn khổ pháp lý mới, hoàn thiện hơn để hướng đến quản lý, kiểm soát tập đoàn tài chính - ngân hàng và tạo điều kiện cho phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính nói chung.

Bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Bảo hiểm, Dược, Công nghệ, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các ngân hàng được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2019 đến tháng 05/2020. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các ngân hàng, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Website: https://toptenvietnam.vn/

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *