Trải qua 03 năm đại dịch Covid-19, đặc biệt do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước 06 tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản tại Việt Nam có nhiều biến động khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành nghề liên quan, nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, nhất là Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Agribank tiếp tục chủ động làm việc đối với khách hàng kinh doanh bất động sản đã được cấp tín dụng và thường xuyên giám sát về tình hình, tiến độ triển khai dự án, kế hoạch bán hàng, doanh thu, dòng tiền, đánh giá khả năng trả nợ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của khách hàng và kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…).
Ảnh: Agribank
Theo đó, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/01/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid 19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất. Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Dự kiến trong năm 2023, Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh;…
Agribank đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn
Ảnh: Agribank
Trong năm 2022, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn, thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn phát huy trách nhiệm xã hội của “Ngân hàng vì cộng đồng”. Từ nguồn tài chính của mình và sự hưởng ứng của gần 4 vạn cán bộ, người lao động toàn hệ thống, trong năm 2022, Agribank dành hơn 600 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm y tế cho người nghèo; mở rộng Chương trình trao tặng tủ sách, thiết bị học tập “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, “Agribank vì tương lai xanh” tại nhiều địa phương trên cả nước, tiếp tục đóng góp quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank (thứ 5 từ phải sang) trao tài trợ xây dựng 30 căn nhà đại đoàn kết tại Phú Thọ
Ảnh: Agribank
NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔNG VIỆT NAM
Bình Luận (0)